Health Encyclopedia
Search Clinical Content Search Health Library
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z A-Z Listings

COPD: Đối phó với mệt mỏi

Cảm thấy mệt mỏi là điều bình thường khi quý vị bị COPD. Trong quá trình hoạt động thể chất, mức năng lượng của quý vị có thể thấp. Tình trạng này gọi là mệt mỏi.

COPD gây mệt mỏi như thế nào?

COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) là một vấn đề sức khỏe, vấn đề này khiến cho phổi của quý vị không hoạt động như bình thường. Công việc của phổi là đưa oxy đến cơ thể. Oxy là một loại khí quan trọng mà cơ thể cần để hoạt động bình thường. Không khí quý vị hít vào có chứa oxy. Bên trong phổi, không khí di chuyển qua các ống gọi là đường thở. Trong đường thở khỏe mạnh, không khí di chuyển vào và ra dễ dàng. Khi bị COPD, phổi và đường thở bị tổn thương. Khi bị tổn thương, phổi phải hoạt động nhiều hơn để đưa không khí vào phổi. Lưu lượng khí kém có nghĩa là cơ thể không thể nhận được đủ oxy cần thiết. Quý vị cũng có thể có nồng độ carbon dioxide cao hơn. Carbon dioxide là một chất thải của quá trình hô hấp. COPD cũng gây viêm ở phổi. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến mệt mỏi.

Khi bị COPD, tổn thương phổi thường do hít phải các chất kích thích trong thời gian dài. Chất kích thích chính gây ra COPD là khói thuốc lá. Các chất kích thích khác là ô nhiễm, bụi, khói và hóa chất.

Điều trị mệt mỏi

Ngoại trừ ghép phổi, không có cách chữa khỏi COPD. Nhưng một số phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như mệt mỏi. Các phương pháp điều trị này bao gồm

  • Thuốc giãn phế quản. Các loại thuốc này có tác dụng khai thông đường thở để giúp quý vị thở dễ dàng hơn.

  • Thuốc phối hợp. Những loại thuốc này bao gồm thuốc giãn phế quản và steroid. Thuốc giãn phế quản giúp quý vị thở dễ dàng hơn bằng cách khai thông đường thở. Steroid giúp làm giảm viêm ở phổi

  • Kháng sinh. Nhiễm trùng đường hô hấp có thể làm cho các triệu chứng của COPD trở nên trầm trọng hơn. Kháng sinh là thuốc có tác dụng điều trị nhiễm trùng.

  • Phục hồi chức năng phổi (phục hồi chức năng). Chương trình này hướng dẫn cách làm giảm các triệu chứng của COPD. Chương trình bao gồm các lời khuyên về tập thể dục, tư thế đúng, cách tiết kiệm năng lượng và ăn uống tốt cho sức khỏe để cải thiện hô hấp.

  • Liệu pháp oxy. Khi nồng độ oxy trong máu của quý vị quá thấp, chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị có thể kê đơn dùng oxy. Oxy có thể giúp quý vị cảm thấy đỡ hơn và hoạt động tích cực hơn. Quý vị có thể sử dụng thêm oxy mọi lúc. Hoặc quý vị có thể chỉ cần oxy trong một số hoạt động, chẳng hạn như tập thể dục. Sử dụng oxy theo lời khuyên của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

  • Phẫu thuật. Quý vị có thể cần phẫu thuật để điều trị các triệu chứng nặng khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng. Phẫu thuật loại bỏ các phần bị tổn thương nhiều nhất của phổi.

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị sẽ làm việc với quý vị để quyết định kế hoạch điều trị tốt nhất cho quý vị.

Các lời khuyên về việc tự chăm sóc để đối phó với mệt mỏi

Người phụ nữ ngồi trên giường, đang mặc áo véc.

Có những việc quý vị có thể làm để kiểm soát tình trạng mệt mỏi và có nhiều năng lượng hơn:

  • Cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Việc này có thể giúp quý vị khỏi bị mệt mỏi quá mức. Dừng lại và nghỉ ngơi trước khi quý vị cảm thấy kiệt sức. Nếu một hoạt động tốn nhiều năng lượng, hãy chia hoạt động đó thành nhiều phần. Ví dụ: gấp quần áo đã giặt. Sau đó, nghỉ ngơi trước khi cất quần áo đã gấp.

  • Tiết kiệm năng lượng. Cách quý vị sử dụng cơ thể khi làm một việc gì đó có thể giúp quý vị có nhiều năng lượng hơn. Thực hiện các hoạt động một cách chậm rãi. Việc vội vã thực hiện các hoạt động sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Vội vã cũng có thể làm tăng tình trạng khó thở . Ngồi để mặc quần áo và làm các công việc hàng ngày khác, chẳng hạn như đánh răng. Sử dụng xe đẩy có bánh xe để di chuyển thức ăn, đồ giặt và các vật dụng khác xung quanh nhà quý vị. Giữ những thứ quý vị thường sử dụng ở ngang mức eo để quý vị có thể dễ dàng lấy các đồ vật đó. Hãy làm những việc quan trọng nhất khi quý vị có nhiều năng lượng nhất. Nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ nhiệm vụ khó khăn.

  • Ăn uống đầy đủ. Khi mệt mỏi, quý vị có thể không ăn tốt như bình thường. Dinh dưỡng kém có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Tình trạng này cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Thử nghỉ ngơi trước khi ăn. Ăn nhiều bữa nhỏ trong suốt cả ngày. Hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe xem quý vị có nên dùng vitamin hoặc thực phẩm chức năng không.

  • Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe. Thiếu cân có thể hạn chế năng lượng của quý vị. Thừa cân có thể khiến cho tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn. Hãy làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tìm ra mức cân nặng phù hợp nhất cho quý vị.

  • Đừng ngại tập thể dục. Tập thể dục có thể khiến quý vị khó thở. Nhưng tập thể dục có thể làm cho cơ hô hấp mạnh hơn. Tập thể dục cũng có thể cung cấp cho quý vị nhiều năng lượng hơn. Tập thể dục cũng giúp cải thiện tâm trạng và kiểm soát căng thẳng. Đi bộ là một cách hiệu quả để đưa oxy đi khắp cơ thể. Hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe về các bài tập an toàn cho quý vị.

  • Tập các bài tập thở. Học cách thở bụng và thở mím môi. Tập những bài tập này trong khi quý vị đang làm việc. Các bài tập đó có thể giúp quý vị thở tốt hơn. Hít thở chậm và sâu bất cứ lúc nào có thể cung cấp cho quý vị nhiều oxy hơn mức quý vị cần.

Sau đây là một số cách khác để làm giảm các triệu chứng do COPD gây ra:

  • Dừng hút thuốc. Hút thuốc thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây COPD. Bỏ thuốc lá là bước quan trọng nhất quý vị có thể thực hiện để điều trị COPD. Nếu quý vị cần giúp đỡ để cai thuốc lá, hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe .

  • Tránh xa khói thuốc thụ động và các chất kích thích khác. Cố gắng tránh xa khói thuốc, hóa chất, khói và bụi. Đừng để bất cứ ai hút thuốc trong nhà hoặc gần quý vị. Ở trong nhà vào những ngày có mức ô nhiễm không khí cao.

  • Ngăn ngừa nhiễm trùng phổi. Tiêm các loại vắc xin mà chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên. Bị COPD làm tăng nguy cơ bị cúm và viêm phổi. Vấn đề này có thể làm cho các triệu chứng của quý vị trầm trọng hơn. Hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe về vắc xin phòng cúm và vắc xin phòng viêm phổi. Thực hiện các bước để ngăn ngừa cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng phổi khác. Tránh xa đám đông trong mùa lạnh và mùa cúm. Ngoài ra, tránh xa những người bị bệnh.

  • Thực hành rửa tay đúng cách. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trong ít nhất 20 giây. Sử dụng chất khử trùng tay có ít nhất 60% cồn khi quý vị không thể rửa tay.

Khi nào cần gọi cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Hãy gọi ngay cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu quý vị có bất kỳ vấn đề nào sau đây:

  • Sốt từ 100,4°F (38°C) trở lên hoặc theo chỉ dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe

  • Các triệu chứng không đỡ hoặc trầm trọng hơn

  • Các triệu chứng mới

© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. All rights reserved. This information is not intended as a substitute for professional medical care. Always follow your healthcare professional's instructions.